Tiếp sức cho người lao động

Tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh. Một số người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những khó khăn của người lao động trong mùa dịch Covid-19 đang được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm giải quyết các chế độ kịp thời. Từ đó, tạo động lực cho người lao động chuẩn bị tinh thần “bứt phá” sau khi dịch bệnh kết thúc.


Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Chị Trương Thị Bích Huyền ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) làm nhân viên thị trường, tiếp thị các sản phẩm hàng tiêu dùng thì phải nghỉ việc bởi dịch Covid-19 bùng phát. Bình thường khi đi làm chị được trả lương theo doanh số sản phẩm, trung bình mỗi tháng khoảng 7 - 8 triệu đồng. Số tiền không chỉ giúp gia đình chị đảm bảo sinh hoạt, mà vẫn còn một khoản nhỏ tiết kiệm, nhưng nay phải nghỉ việc dẫn đến đời sống ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Huyền cho biết, nhà chị có 2 con nhỏ, mỗi tháng tiền ăn, tiền điện, tiền nước… đã mất một khoản chi phí lớn. Bên cạnh đó, chồng chị cũng là lao động tự do, nên thu nhập bấp bênh. Vì vậy, dịch bệnh “ập” đến, 2 vợ chồng chị đều phải nghỉ việc dẫn đến nguồn thu nhập không còn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong quý I và tháng 4 năm 2020, số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 10% so với năm ngoái với hơn 1.200 trường hợp, các lao động thất nghiệp đều được tư vấn, giải quyết chế độ bảo hiểm hoặc giới thiệu việc làm khác. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.198 lao động trong tỉnh đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền trên 13,8 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để tạo thuận lợi cho người lao động làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm tăng cường tuyên truyền trên các cơ quan báo chí của tỉnh và trang thông tin điện tử của trung tâm. Đồng thời, nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, qua đường bưu điện... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại các huyện, thành phố không thể tổ chức được, thị trường lao động từ đầu năm đến nay cũng không phong phú như mọi năm. 


Người lao động đến bộ phận một cửa xã Thiện Kế (Sơn Dương) tìm hiểu về thủ tục hỗ trợ
theo quy định của Nhà nước trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Minh Thủy

Chị Đinh Thị Hoa ở xã Chi Thiết (Sơn Dương) cũng nghỉ việc tại công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Bắc Ninh được hơn 2 tháng nay. Trước đây, khi còn đi làm, mỗi tháng chị có thu nhập trên 5 triệu đồng, do đó đời sống tạm ổn, có tiền gửi về cho gia đình và nuôi con. Chị Hoa nói, sau khi nghỉ việc, chị ở nhà cố gắng tìm hiểu thị trường lao động nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, sản xuất cầm chừng cho nên việc kiếm việc làm mới phù hợp là tương đối khó. Do vậy, chị sẽ phải chờ cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Tăng Quý Quang, Chánh Văn phòng Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chuỗi cung ứng thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất tạm thời bị gián đoạn; công tác vận chuyển nguyên, nhiên, vật liệu và tiêu thụ sản phẩm khó khăn, có thời gian Công ty phải tạm dừng hoạt động. Trong thời gian ngừng sản xuất, Công ty đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng của thành phố để chi trả cho cán bộ, công nhân viên trong Công ty. Khi sản xuất đi vào hoạt động trở lại, Công ty đảm bảo trả lương đúng hạn, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, không để xảy ra tình trạng nợ lương. Giai đoạn này cả Công ty và người lao động đều gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của tập thể cán bộ, công nhân công ty và đặc biệt sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, Chính phủ trong triển khai các gói hỗ trợ người lao động sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải cho lao động ngừng việc, giãn việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp động lao động với tổng số lao động bị ảnh hưởng là: 4.663 người. Trong đó: Chấm dứt hợp đồng lao động 30 người; ngừng việc 4.169 người; giảm ngày làm việc 490 người... Để hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố rà soát nắm tình hình đời sống nhân dân, người lao động và các đối tượng chính sách xã hội bị ảnh hưởng của dịch để đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự kiến toàn tỉnh sẽ có khoảng trên 200 nghìn người thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng thuộc diện được hỗ trợ...

  Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, chắc chắn cuộc sống của người lao động sẽ sớm ổn định sau dịch bệnh.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục